Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013
8x nói về văn hóa thần tượng của teen
Tôi đã đọc bài viết “Super-show 3- quả cầu đen và trắng” của bạn Quynh Duong, và tôi cũng đồng ý với phần lớn các ý kiến của bạn, tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ một chút ý kiến về văn hoá thần tượng của một bộ phận thanh niên Việt Nam bây giờ.
Tôi cũng là một 8x đời cuối, cũng giống bạn, tôi cũng đã đi làm và cũng may mắn có một công việc được xem là tốt so với những bạn cùng tuổi. Tôi cũng được mọi người đánh giá là có tư tưởng thông thoáng, thoải mái nên cũng muốn chia sẻ với mọi người vài điều về văn hoá thần tượng của một bộ phận giới trẻ hôm nay, vốn đã tốn nhiều giấy mực của báo chí và ý kiến của các chuyên gia tâm lý.
Tôi đồng ý với bạn là âm nhạc không cần phải hiểu, vì chính 8x chúng ta cũng đã có một thời say mê BSB, 911, Boyzone. Tôi cũng đồng ý là fan thời nào cũng như nhau, cũng gào thét, khóc lóc khi được gặp thần tượng, những cô bạn mê mẩn các boyband ngày xưa của tôi cũng thế, cũng khóc đến cạn cả nước mắt khi Ronan Keating lấy vợ hay Nick Carter có bạn gái. Nhưng những biểu hiện thần tượng của thế hệ mới lớn bây giờ, có lẽ có nhiều điều đáng nói.
Xin nhắc lại, 8x chúng tôi cũng đã có một thời tuổi teen vô lo, cũng có thần tượng, cũng tìm mọi cách để có thông tin, treo ảnh đầy nhà, và thời đó chúng tôi cũng bằng tuổi các bạn 9x thần tượng các ban nhạc Hàn Quốc bây giờ, chỉ khác chăng chúng tôi thần tượng US-UK pop. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ vứt bỏ lòng tự hào dân tộc của mình để quỳ xuống xin lỗi những anh chàng ca sĩ nào đó. Chúng tôi được dạy rằng chỉ quỳ trước đấng sinh thành, trước tổ tiên và trước những liệt sĩ đã ngã xuống để hôm nay chúng tôi được sống trong hoà bình. Vậy mà có những cô bé bán rẻ cả lòng tự trọng để quỳ trước mặt mấy anh chàng đó. Các em đó làm chúng tôi xấu hổ trước mặt bạn bè quốc tế! Nếu bạn là một du học sinh, bạn sẽ hiểu sự công phẫn của chúng tôi rõ hơn, khi ngày 2/9 hàng năm, du học sinh chúng tôi thức thâu đêm để tổ chức các sự kiện mừng quốc khánh, ai ai cũng mặc áo cờ đỏ sao vàng và mệt nhoài, nhưng vẫn cười tươi để bạn bè biết đến Việt Nam. Vậy chúng tôi không giận dữ sao được khi có những kẻ, không còn quá bé để hiểu được thế nào là tự trọng, là yêu nước. Vậy theo mọi người, chúng tôi có lý do để lên án những hành động đó không?
Với bố mẹ, những em này cũng chẳng coi ra gì. Có những cô bé, cũng đã học cuối cấp 2- đầu cấp 3, viết trên blog: “May cho ông bà già biết điều cho tao đi MTV Exit”. Tôi xin miễn bàn, bố mẹ mang nặng đẻ đau, công ơn dưỡng dục không bằng các anh nhảy trên sân khấu. Ba mẹ của những em này chắc buồn lắm, còn chị đồng nghiệp của tôi, bụng đang bầu, bảo là: “Con cái mà như thế này đẻ làm gì, lấy tiền nuôi con đem gửi tiết kiệm về già sướng hơn”.
Và cũng không lạ gì khi những em này không coi đất nước, bố mẹ ra gì, thì cũng làm sao các em coi trọng bản thân được. “Sẵn sàng đổi một đêm lấy vé xem MTV Exit”. “Tôi có nên chết đi cho các anh thấy là tôi yêu các anh đến thế nào không (khóc lóc khi nhà không có 2 triệu xem SS3)”. Đến nước này thì 8x chúng tôi, những người cũng đã có một thời say mê thần tượng, phải kêu trời.
Do vậy, chúng ta phải xem lại văn hoá thần tượng của các em bây giờ. Xin đừng nói đến văn hoá xã hội ảnh hưởng đến các em, cách đây mười năm xã hội còn chưa được như bây giờ, nhưng 8x chúng tôi có ai có những hành vi bị lên án như vậy đâu. Chính vì vậy, việc hướng các em đến các suy nghĩ đúng đắn, để cách biểu lộ của các em lành mạnh, và thần tượng là động lực để các em sống tốt lên, chứ không phải để xã hội phải lo lắng trước những “fan cuồng” như bây giờ.
Xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện mà tôi biết để tham khảo nếu mọi người có con/em có những biểu hiện như trên. Tôi có một người anh họ, cũng đã khá tuổi, có một cô con gái mười bốn tuổi cũng thích Suju. Đợt MTV Exit, cô bé đòi lên Hà Nội xem (gia đình họ sống ở tỉnh khác). Anh tôi kiên quyết không cho đi, cô bé đập phá, nghỉ học, rồi nói: “Tôi cần Super Junior chứ không cần ông bà”. Nghe xong, sốc, nhưng cuối cùng anh cho cô bé tự đi, kiên quyết không cho vợ lên Hà Nội cùng.
Các bạn đừng tưởng anh tôi nhượng bộ, sau khi cô bé đi về, cũng may mà không sao, thì phát hiện ra là toàn bộ đồ đạc, quần áo của cô bé đã bị anh tôi đem đi cho. Anh tôi thay chìa khoá, bán ve chai toàn bộ sách vở, và không cho vào nhà, mặc cho vợ khóc lóc ngất đi. Anh dặn hai bên nội ngoại không ai được cho ở nhờ, theo đúng câu nói: “Tôi cần Super Junior chứ không cần ông bà” của cô bé.
Cô bé cháu tôi cũng cứng đầu, mang mấy cái ảnh của Suju… ra đi ở nhờ nhà bạn. Nhưng ai chứa? Thân đến mấy thì thân, chỉ đến ngày thứ hai là người ta đuổi khéo. Chị vợ thì khóc lên khóc xuống, trốn chồng đi thăm con, thuê nhà nghỉ cho con ở. Anh tôi đến nhà nghỉ, trả tiền nhiều hơn để nhà nghỉ… đuổi cô bé đi. Chị vợ phải vào viện, còn anh vẫn tỉnh bơ. Mọi người rất bất ngờ vì bình thường anh vốn rất hiền lành, điềm tĩnh. Còn anh chỉ bảo thà chữa một lần dứt điểm còn hơn đau mãi.
Và vài ngày sau, cô bé phải tự về, vì đói quá mà không có ai nuôi. Cô bé phải viết kiểm điểm và xin lỗi bố mẹ trước toàn bộ họ hàng. Từ đó, mối quan hệ cha con của họ vẫn bình thường, và cô bé thì thuần tính đi rất nhiều. Anh tôi vẫn cho cô bé nghe nhạc Suju, nhưng không bao giờ cô bé cuồng lên vì các anh như trước nữa.
Chính vì vậy , tôi muốn nói với các bậc phụ huynh, khi nhu không dùng nổi thì chúng ta phải cương, để tránh trường hợp các em ngày càng đắm chìm vào ảo mộng thần tượng mà quên đi cuộc sống. Chúng ta không phản đối việc các em có thần tượng, nhưng phải theo một định hướng tích cực cho cuộc sống và tương lai của các em. Và đôi khi, câu nói “Thương cho roi cho vọt” của các cụ thật đúng, cá nhân tôi phải cảm ơn bố mẹ vì đã đánh thật đau để tôi được như ngày hôm nay.
Vài lời chia sẻ với bạn đọc.
TCBC -st- Trung Nguyen
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét