Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Cẩn thận kẻo bị 'chém'

Hí hửng vì mới mua được chiếc máy ảnh mới, tôi mang đi dán màn hình cho nó khỏi bị xước.
Nhưng ai ngờ tôi bị “chém” đến méo mặt. Ra chợ sinh viên, gặp một anh cũng vui tính, mải trò chuyện mà quên chẳng hỏi giá cả bao nhiêu. Đến khi dán xong hỏi giá thì trời ơi: “95 ngàn em ạ”. Tôi ớ người: “Sao đắt vậy anh. Bạn em dán có 30 ngàn mà?” Lúc này anh ấy chẳng vui tính như vừa nãy: “Không có giá đấy đâu em ạ!” Biết mình đã bị hớ, tôi đánh nhắm mắt trả tiền mà đến lúc về đến nhà vẫn không khỏi xót xa.
Không cẩn thận là bị “hớ”
Câu chuyện của tôi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các bạn khi mua hàng bị “hớ”. Ở Hà Nội thì có lẽ là chỉ những cửa hiệu, siêu thị lớn, có uy tín như Big C, Pico, Metro mới có giá cả chuẩn không cần phải mặc cả gì. Còn lại, rất nhiều những mặt hàng trôi nổi đều không có một giá cả nào cụ thể mà tùy theo mặt khách hàng đế người bán hàng định giá. Những hàng vỉa hè, hàng chợ đêm hay chợ sinh viên đều là những mặt hàng giá rẻ mà sinh viên rất chuộng. Nhưng cũng vì thế mà rất nhiều bạn bị mắc hớ khi mua hàng ở những nơi này.
Câu chuyện của Hiệu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng là một trường hợp như vậy. Cậu bạn này có chiếc máy tính, vì đã mua từ lâu nên thường xuyên phải mang sửa chữa. Lần đó, máy của Hiệu bị lỗi Window do vi rút quá nhiều. Vì không có phần mềm quét vi rút lên cậu đành mang ra hiệu để sửa. Cũng là vì lần đầu sửa máy nên cậu chẳng hỏi han xem giá cả thế nào. Đến lúc trả tiền thì ôi thôi: “Tất cả hết 150 ngàn em ạ” - Hiệu kể - “gần bằng tiền để mua một phần mềm diệt virus”. Từ đó, mỗi lần đi sửa máy, bao giờ cậu cũng phải “ướm” giá trước.
Không chỉ vậy, trên Hà Nội còn rất nhiều những tình huống hài hước mà các bạn không thể ngờ tới. Phương, Đại học xây dựng, cũng là một cậu bạn của tôi đã từng rơi vào cảnh hài hước đến không ngờ. Tối đó cậu đi làm gia sư nhưng giữa đường xe lại bị thủng săm. Dắt bộ mãi cũng tìm được một chỗ vá xe bên đường. Cứ nghĩ như ở quê mình, chỉ có 1 ngàn 1 miếng vá. Ai ngờ đến lúc trả tiền thì “15 ngàn một miếng vá. Của cháu thủng 2 chỗ là 30 ngàn” - Phương vừa kể vừa cười. Nhưng chưa hết: “Với một lần bơm xe 2 ngàn là 32 ngàn”. “Thật hết chỗ nói” - cậu bức xúc.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp các bạn dễ bị “hớ” khi đi mua hàng, hay đi sửa đồ…mà bạn cần đề phòng. Vì chỉ cần chút bất cẩn là bạn sẽ bị “chém” không thương tiếc.
Dở khóc, dở cười.
Hôm 20/10 vừa rồi, cậu bạn cùng phòng tôi có hẹn đi chơi với cô bạn mới quen ở bờ hồ. Tưởng cậu vui vẻ, nhưng ai ngờ khi về nhà thấy mặt cậu tiu nghỉu. Hỏi ra mới biết câu chuyện “mếu dở khóc dở” của cậu ở bờ hồ. Bạn nào hay dạo chơi ở bờ hồ thì chắc hẳn cũng biết xung quanh bờ hồ có rất nhiều những người bán hàng rong với đủ loại: hoa hồng, kẹo, nước, kem, bò bía…Cậu bạn tôi cũng mắc hớ bởi những món hàng đó. Cậu kể rằng hai người vừa mới dạo một vòng, tìm được chiếc ghế đá để nghỉ chân. Vừa mới ngồi xuống thì có cô bán hàng từ đâu đã tới. Cô mời rất nhiệt tình. “Mua hoa hồng tặng bạn gái đi em, mấy khi…” Vì cũng sẵn lòng thích cô bạn, muốn bày tỏ tình cảm của mình nên cậu lấy luôn một bông, lấy luôn cả chai nước ngọt và mấy chiếc kẹo. Đến khi hỏi tiền thì: “Tất cả hết 90 ngàn em ạ”. Đã trót lấy rồi, lại là lần đầu đi chơi với nhau nên cậu bạn của tôi chỉ biết ngoan ngoãn đưa tiền ra trả không lời than thở. “Cũng may là hôm đó mình mang dư tiền. Biết là bị hớ nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Lần sau thì phải cẩn thận hơn với những bông hồng ở bờ hồ mới được.” Đó có lẽ cũng là lời khuyên cho các bạn, đừng bao giờ là nạn nhân của những của những món hàng rong hay những bông hồng “ngọt ngào” mà có giá “cắt cổ” nhé.
Còn với Dũng, Đại học hà nội thì lại khác. Hôm đó, nhân mới mua máy tính, cậu mời mấy đứa cũng bàn đi uống rượu ốc để “rửa máy”. Cả bàn chỉ có bốn người. Gọi 2 tô ốc, 1 chai rượu quê nhỏ. Nhưng đến khi trả tiền thì ai nấy đều sững sờ. Tất cả hết 200 ngàn. Cậu bạn tôi không mang đủ tiền. Vì là những đứa bạn thân nên mấy người chúng tôi cùng góp để trả dùm cậu bạn.
Nghệ thuật “nói thách” và “mặc cả”
Với những mặt hàng vỉa hè, hàng chợ đêm, chợ sinh viên các bạn nên thận trọng khi mua hàng. Vì ở những nơi này không bao giờ có giá cố định cho một mặt hàng. Đó là do nghệ thuật nói thách của người bán hàng. Dạo qua một vòng chợ sinh viên ở bên đường Xuân Thủy, Dịch Vọng (chợ thu hút đông đảo sinh viên của các khu vực lân cận như Ngoại Ngữ, học viện Báo chí và tuyên truyền, Đại học quốc gia, Đại học thương mại, Đại học sư phạm hà nội…) thì thấy hầu hết các quầy bán hàng đều không hề có niêm yết giá. Trừ một số quầy hàng có treo biển: “Quần bò nam 130k, KMC (không mặc cả), hay áo phông nam 35k, KMC” là có giá cả cố định. Còn hầu như các quầy hàng đều “nói thách”. Đặc biệt là những quầy bán giày dép, ba lô, gấu bông…thì giá người bán hàng đưa ra lúc đầu bao giờ cũng thường gấp đôi giá mà bạn có thể mua được mặt hàng đó nếu biết mặc cả. Cách đây 1 năm, khi mới lên Hà Nội học, đi mua giầy cùng cậu bạn lớp tôi ở chợ sinh viên mới biết hàng hóa ở đây có giá nói thách ghê gớm. Hai đứa đi vòng một lượt qua những quầy bán giầy, tìm được một đôi ưng ý. Nhưng giá đắt quá: 320 ngàn. Nghe xong cậu bạn tôi chỉ cười, thản nhiên xem giầy. Xem xong, ưng ý rồi, cậu mới đưa ra giá: “120k, bán không anh”? Biết cậu bạn này có kinh nghiệm mua hàng nên người bán hàng chỉ nói: “Em trả thế thì anh bán sao được?” Và sau một hồi mặc cả thì cậu mua đôi giầy chỉ với giả 150k.
Ai cũng biết sinh viên thường rất eo hẹp về tài chính nên các bạn hay cẩn thận với những mặt hàng chưa biết rõ giá cả, nhất là những món hàng rong vì nó có giá “đắt” lắm đó. Mong rằng qua những câu chuyện trên đây các bạn sẽ không còn ai bị “mắc hớ” mỗi khi mua hàng, khi sửa đồ, hay đi chơi nữa.
Vũ Viết Tuân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét