Sau “thời hoàng kim” của truyện Đôrêmon, Conan, hàng ngàn truyện tranh nước ngoài mà chủ yếu là Nhật gần như tràn ngập thị trường truyện tranh dành cho teen Việt, đặc biệt những bộ truyện được đóng mác dành cho teen với dòng chữ 13+, 14+, 15+... đã đổ bộ vào chiếc cặp học trò.
"Trường mình, thầy cô không cho đọc truyện tranh khác ngoài Đôrêmon, Thần đồng đất Việt và Conan” - Bạn Nguyễn Đặng Yến Thy (lớp 9/9 trường Chu Văn An, Q.11) cho biết. Không “nới rộng” như trường của Thy, trường chuyên Lê Hồng Phong, trường THCS Lê Văn Tám, trường THCS Phú Mỹ... đều cấm học trò mang truyện tranh vào lớp, nhất là truyện tranh Manga vì “Có nội dung không phù hợp”. Lí do cụ thể hơn: Nội dung yêu đương và hình vẽ sex! Bạn Anh Thi (lớp 10 chuyên Văn trường Lê Hồng Phong, Q.5) cho biết thêm: “Thầy cô cấm mang truyện vào lớp đọc, thì các trò chuyền nhau đem về nhà. Cũng vậy thôi”.
Truyện tranh giáo dục giới tính hay truyện sex?
Truyện tranh giáo dục giới tính hay truyện sex?
Thử xem qua vài bộ truyện tranh đang được học trò mê mẩn như: Love Hina, Chàng quản gia, Malisa Lin, Lãng tử Midori, Thục nữ yêu kiều, Onegai teacher, Kim cương bạc, truyền thuyết băng quỷ... ngoài những tranh vẽ mát mẻ, còn có nhiều cảnh “nóng” ngay cả người lớn cũng có thể đỏ mặt vì những khung tranh vẽ cảnh tắm, mặc đồ lót, tụt váy, ôm hôn, thậm chí là cả... trên giường diễn ra rất chi tiết! “Ecchi, Hentai, Yaoi... đều có những cảnh sex nóng bỏng. Tùy mỗi người thôi, có người đọc rồi ghiền, rồi nhiễm, có người thì không. Như mình nè, giờ mình đọc truyện có chọn lọc hơn nhiều...” cô bạn Anh Thư (sinh viên trường H.B) tự tin chia sẻ. Những năm cấp 2, 3 Anh Thư ghiền truyện tranh đến mức bị đánh đòn vẫn không bỏ.
Dòng sông huyền bí - một câu chuyện hư cấu một cô gái Nhật Bản Yuuri yêu chàng hoàng tử Kail của xứ Ai Cập, tập truyện nào cũng dày đặc những cảnh nhân vật nam và nữ ôm hôn ngấu nghiến. Chỉ cách nhau hai, ba trang đã có thể thấy các nhân vật hôn nhau trên giường, ngoài lan can, khi đánh kiếm, khi nằm, khi bế trên tay... Con nhà giàu - một bộ truyện tranh được quảng bá là gây sóng gió tại Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... là câu chuyện về một nhóm học sinh quý tộc có biệt danh F4 với những "thú vui" như du lịch châu Âu, mướn máy bay đi chơi hải đảo, chuộng đồ hiệu, thích chinh phục bạn gái bằng tặng nhẫn kim cương...
Gán cho truyện tranh này chức năng “giáo dục giới tính” chỉ là sự đánh lừa!"
Trọng tâm của những trò chơi, những chuyến đi để các cậu chơi trò vờn tình ái là một cô gái tên Tsukushi. Những sự chung đụng thể xác luôn đem đến những tâm sự "thổn thức" cho cô gái đại loại như: "Đây là phòng của hai đứa mình. Trong phòng chỉ có một cái giường...". "Sao mình lại trong vòng tay Tsukasa? Đầu óc quay cuồng, toàn thân mềm nhũn". "Tôi không nói được lời nào, cũng không thể cử động. Tại sao tôi không thể phản kháng, sự sợ hãi lúc nãy biến đi đâu mất rồi? Tôi hoàn toàn không biết gì nữa, chỉ biết nụ hôn của Tsukasa vô cùng nồng ấm"... Điều đáng sợ hơn là các cậu học sinh nhà giàu này luôn muốn thích sử dụng vũ lực để chiếm hữu tình yêu mà trước những nụ hôn bị cưỡng bức như thế, nhân vật nữ lại luôn phục tùng: "Lúc nào cũng thế, Tsukasa vừa thô lỗ cục cằn vừa dịu dàng khiến trái tim tôi thổn thức. Tay của Tsukasa, bàn tay đã vỗ lưng cho tôi khi bị say sóng, cũng chính bàn tay ấy đánh tôi. Đối với tôi ngoài vòng tay ấy không còn gì quan trọng nữa".
Nếu như Con nhà giàu cổ động cho cách sống tôn sùng vật chất, lệch lạc trong tình yêu thì Punch - Tình ca trên sàn đấu là câu chuyện hết sức nhảm nhí và thô tục. Dường như cả tập truyện là những tình huống nhân vật nữ mặc váy thoải mái đi tênh hênh trên cao còn nhân vật nam thì ở dưới nhìn lên "chiêm ngưỡng". Có những cảnh nhân vật nữ mặc đồ lót trồng cây chuối còn nhân vật nam thì nhìn vào chỗ kín một cách thô bỉ. Truyện đầy rẫy những hình ảnh đặc tả ngực, mông, đùi của các cô gái. Hình ảnh chiếc quần lót lộ ra dưới lớp váy của các cô gái hay các nhân vật nam bắt gặp các cô gái khi đang trong toilet, đang thay đồ hay đang tắm... cũng "vô tình" xuất hiện đều đặn trong các truyện Dòng sông huyền bí, Con nhà giàu, Punch - tình ca trên sàn đấu.
Chỉ với 1.000 - 1.500 đồng, teen đã có thể tha hồ lựa chọn một cuốn truyện tranh “có dấu cộng” ở các cửa hàng cho thuê truyện tranh hay dễ dàng “cầm trên tay đọc miễn phí” ở một vài quán nước. Thậm chí, trong hội sách TP.HCM nhiều nhà sách còn “sale off” loại truyện này với giá 2.000 đồng/cuốn! Điều đáng nói, những truyện tranh đậm chất giới tính, tình dục, những nội dung mang tính khiêu dâm phần lớn được xuất bản ở các nhà xuất bản địa phương.
Đường đi của truyện tranh
”Hầu hết các nguồn truyện tranh là do đối tác tổ chức, nhà xuất bản (NXB) chỉ duyệt trên bản thảo và cấp phép. NXB không chịu trách nhiệm về nội dung mà chỉ chịu nội dung trên bản đã cấp phép (?). Chúng tôi cũng đã cắt, xóa những nội dung không phù hợp (nếu có mua tác quyền thì sẽ không thể cắt, xóa.). Chúng tôi không thể kiểm tra nguồn truyện, vì việc đó đã có đối tác lo. Truyện tranh, đối tác nếu không in ở NXB này cũng sẽ in ở NXB khác mà thôi” - Biên tập viên Nguyễn Kim Huy (NXB Đà Nẵng) cho biết.
(Hình minh hoạ)
Điều này cho thấy đầu vào của truyện tranh đã không được “gác cửa” cả về nội dung lẫn hình thức. Với những bộ truyện có nhiều tranh sex, các biên tập viên thường xóa, vẽ thêm quần áo cho nhân vật nhưng cách xử lí này chỉ mang tính chất tình thế, chắp vá vì nội dung thường theo suốt bộ truyện và chỉ gây thêm tò mò cho người đọc. Lí giải thêm cho thực trạng truyện tranh nước ngoài mang nhiều nội dung tiêu cực mà vẫn được in, ông Đặng Tấn Hướng (nguyên Tổng biên tập NXB Đồng Nai, từng ký duyệt in những tập truyện tranh do các đối tác mang đến) cũng cho biết: “Phần lớn các truyện tranh bị bạn đọc phản ứng gần đây là những truyện “hàng chợ” giá trị văn học, giá trị thẩm mĩ không cao ở nước ngoài. Nó dễ in ở Việt Nam vì dễ khai thác và cũng đồng nghĩa với việc bạn đọc đang tiếp cận với sản phẩm kém giá trị. Khi xuất bản ở Việt Nam, hầu hết đây là những tác phẩm không được mua bản quyền, tác giả không nổi tiếng, tác phẩm không được chọn lọc, các NXB không hề thẩm định về nguồn gốc tác phẩm”.
Độc giả tuổi teen có biết họ đang say sưa những sản phẩm truyện tranh kém giá trị trong sự sung sướng, hồ hởi!
Lời nguỵ biện cho truyện tranh sex
"Nhỏ bạn tớ, hễ ra quán là ôm về một đống truyện kiểu Ecchi, hentai (Truyện tranh có nhiều cảnh khỏa thân, nội dung sex) về đọc. Tớ thấy truyện đó nhảm nhí. Nội dung toàn xoay quanh “chuyện đó”. Chỉ cần mở trang đầu đã thấy cảnh... lên giường. Lần đầu xem thì còn tò mò do thấy “bạo quá”, sau thấy chán! Có người nói truyện tranh góp phần giáo dục giới tính. Mình không thấy vậy. Truyện gì mới gặp nhau lần đầu đã làm chuyện ấy, lại khuyến khích việc sống riêng với bạn trai, chẳng khác nào bôi nhọ thuần phong mĩ tục Việt Nam. Đến tớ là một dân otaku mà còn kinh!” - Anh Thư chia sẻ.
Truyện tranh thường phục vụ giải trí, hoặc giáo dục nhẹ nhàng, gán cho nó chức năng “giáo dục giới tính” chỉ là sự đánh lừa! Giáo dục giới tính cho teen rất cần thiết nhưng cực khó. Nó phải được các nhà sư phạm, các nhà giáo dục giới tính, được thầy cô giảng dạy một cách khoa học, có phương pháp và được thẩm định chứ không thể lấy truyện tranh sex ra và nói: “Xem đi, học giáo dục giới tính nào”! Các nhà kinh doanh xin đừng lấy đó để ngụy biện.
Một học sinh tuổi “teen”, đồng thời cũng là dân “ghiền” truyện tranh ở Trường THPT Trần Phú sau khi đọc truyện tranh đã phát biểu: “Truyện tranh của lứa tuổi em bây giờ rặt sex là sex. Xem xong, chẳng có gì đáng nhớ mà cũng chẳng có ý nghĩa giáo dục cao đẹp gì”.
Điều đáng nói là những tập truyện tranh này thuộc tủ sách 15+, 16+, nghĩa là dành cho lứa tuổi mới lớn. Nhưng thử hỏi lứa tuổi mới lớn sẽ giải trí hay được giáo dục như thế nào từ những nội dung nhảm nhí, rẻ tiền như vậy.
Báo động sex và bạo lực trong truyện tranh tuổi 16
Đối với các cô cậu tuổi ô mai thì truyện tranh là món ăn tinh thần bổ ích nhất bởi nó ít triết lý, dễ đọc, dễ hiểu và … đẹp.
Đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ, các nhà xuất bản sách đã cho phát hành hàng loạt nhiều bộ truyện tranh, phần lớn là xuất phát từ Nhật Bản. Với mức giá gần tương đương với sách giáo khoa, chắc chắn đây là một nguồn doanh thu không hề nhỏ. Và để đáp ứng nhu cầu cho những độc giả thường xuyên nhịn ăn sáng để có tiền mua truyện là hệ thống các của hàng cho thuê sách.
Hình ảnh này được phóng viên chụp nguyên trong một cuốn truyện tranh cho thuê ở một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Vũ Hoàng.
Thế nhưng, chất lượng của các cuốn sách và mức độ phù hợp với bản sắc văn hóa của người Việt thì thật là đáng báo động.
“Anh có chuyện gì vậy?”. “Anh muốn ôm em!”…Cô gái đỏ mặt nhưng rồi đồng ý. Và ngay trên hành lang của một căn phòng có nhiều người, đôi bạn trẻ đã thực hành một câu chuyện người lớn!
Trích đoạn trên được lấy ra từ một cuốn truyện tranh “Gantz” có mặt trên hầu hết các quầy sách và quầy cho thuê truyện tranh. Nhân vật chính trong truyện là một cậu học sinh lớp 10 bị đẩy vào một trò chơi chết chóc.
Trong thế giới đó, một nhóc lớp 8 cũng sẵn sàng dùng súng bắn vỡ đầu kẻ dám chống đối lại mình. Trong đó cũng xuất hiện những câu chuyện tình yêu luôn gắn với quan điểm sex học đường khá… thoáng!.
Những hình ảnh đầy kích động ấy xuất hiện thường xuyên trong các cuốn truyện tranh mà trên bìa có dán mác “dành cho tuổi 16+”, “dành cho tuổi mới lớn”… Đó dường như là một phần không thể thiếu của truyện tranh Nhật và nó có sức lôi cuốn thực sự mạnh mẽ với thanh thiếu niên Nhật.
Truyện của tuổi mới lớn nên những câu chuyện tình yêu học trò luôn là tâm điểm. Nhưng tại quốc gia sở hữu hàng nghìn tạp chí người lớn, vấn đề tình dục học đường xuất hiện trong các bộ truyện tranh của họ cũng không có gì xa lạ.
Những hình ảnh không hiếm gặp trong những cuốn truyện tranh dành cho lứa tuổi học đường hiện nay.
Khi đọc qua một số bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật đang và đã được phát hành trên các quầy sách, một hình ảnh luôn luôn thấy là các cậu học sinh Nhật thường dấm dúi cho nhau xem những tạp chí người lớn và tìm cách nhìn trộm các bạn nữ thay đồ, tắm… Hình ảnh những thiếu nữ ở tuổi dậy thì luôn được vẽ một cách đầy khêu gợi với những bộ ngực căng tràn, những chiếc váy học sinh ngắn đến nỗi thấy hết cả “quần chíp”.
Cùng với sex, bạo lực không bao giờ được coi là thừa trong các cuốn truyện. Thông thường, các nhân vật anh hùng xuất hiện trong truyện sẽ phải gắn liền với khả năng sát thủ để chống lại những tên sát nhân máu lạnh.
Việc học sinh sử dụng vũ khí nóng như dao, xích, kiếm xuất hiện nhan nhản trong các trang truyện. Có như thế “vị anh hùng” trong mắt tuổi ô mai mới thực sự mạnh mẽ khi sẵn sàng đối đầu với mọi nguy hiểm. Nghiêm trọng hơn, trong các câu truyện giả tưởng, mạng người trở nên rẻ rúm. Chỉ cần một chưởng, một chiêu kiếm…ngay lập tức đầu rơi, máu chảy. Nước mắt chỉ được nhỏ ra khi các “vị anh hùng” hoặc người thân của họ lâm nạn.
Trên giá sách của một cửa hàng cho thuê truyện trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), những truyện tranh với hình ảnh sex và bạo lực xuất hiện thường xuyên.
Truyện “Phiên Vân Phúc Vũ”của NXB Văn hoá thông tin, là truyện viết theo thể loại “võ hiệp kỳ tình”. Trong đó, tình dục đã được tác giả của truyện đưa vào như là một phương thức “luyện công”. Vì thế những hình ảnh gợi dục luôn có cùng với quá trình luyện công của nhân vật. Và tất nhiên, những pha giao chiến của các võ hiệp là không hề thiếu…
Truyện “Tôi đi tìm tôi” của NXB Thanh Hoá kể về một thầy giáo, nhưng thực ra là một tên lưu manh vỉa hè đem tư tưởng mới vào nhà trường. Trong truyện đã đề cập rất nhiều vấn đề của học sinh trung học Nhật như: Bạo lực học đường, tình dục, giáo viên biến chất (thầy hiệu phó chuyện môn lên xe điện ngầm quấy rối tình dục nữ sinh)…
Ngoài ra còn có những bộ truyện tranh rất nổi tiếng của Nhật Bản như “Lum”, “Một nửa Ramma” cũng luôn chứa đầy những hình ảnh gợi dục theo kiểu khoe nộitrang hoặc ngực trần của các nhân vật nữ. Những cuốn truyện tranh phù hợp với văn hóa người Nhật.
Thế nhưng, liệu tại Việt Nam, nó có phải là một liều thuốc tinh thần bổ ích cho giới trẻ hay lại trở thành một liều thuốc độc(?).
Buông lỏng quản lý hay chạy theo lợi nhuận?
“Chỉ có con nít mới đọc truyện tranh…”?, một chủ cửa hàng cho thuê truyện tranh nói…. Ảnh: Vũ Hoàng.
Tại hầu hết các quầy cho thuê truyện tranh trên khắp cả nước, độc giả tìm đến chủ yếu là học sinh các cấp, và một số ít sinh viên vì một lý lẽ đơn giản: “chỉ có con nít mới đọc truyện tranh”.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ quán cho thuê truyện tại Trung Hòa (quận Cầu Giấy Hà Nội) cho hay: “Quán của tôi mở chủ yếu là phục vụ mấy đứa trẻ con, nhất là bọn học sinh cuối cấp 2 và cấp 3. Hàng tuần, cứ mỗi lần có truyện mới là chúng kéo nhau đến để thuê đọc, hoặc ngồi đọc ngay tại quán. Bọn nó say truyện lắm. Có cuốn nào mới ra là cũng phải theo cho bằng được. Thấy bọn trẻ thích đọc tôi cũng thử đọc vài cuốn để có gì còn quảng cáo nhưng cũng không hiểu được gì cả. Thôi thì NXB ra cuốn nào thì cứ mua cuốn đó. Bọn trẻ cũng đọc hết cả, khỏi lo lỗ vốn…”
“Các nhân vật trong truyện rất đẹp. Nội dung truyện bao giờ cũng lôi cuốn từ đầu đến cuối. Em ước gì mình cũng được giống như các nhân vật trong truyện có thể tự do làm những gì mình thích. Nếu như mà có võ công như SonGoKu, Teppy, Bộ Kinh Vân (các nhân vật nổi tiếng trong truyện)…em sẽ cho bọn xã hội đen với mấy thằng mất dạy trong lớp biết thế nào là lễ độ”, đó là câu trả lời ngây thơ của cậu bé Nguyễn Duy Phong (một học sinh lớp
Khi được hỏi về các hình ảnh giới tính xuất hiện trong truyện, hầu hết độc giả tuổi teen chỉ cười chứ không hề trả lời. Một cậu học sinh PTTH chặc lưỡi: “Bên mình cứ quan trọng mấy chuyện đó chứ bên Nhật là chuyện thường(?!)”.
Các bậc phụ huynh thì hầu như khó có thể quan tâm hết việc con mình đang đọc cái gì mà chỉ trung thành với quan điểm đầy chất giáo dục: học mà chơi, chơi mà học.
Còn đây là những hình ảnh trong nội dung một số truyện tranh dành cho… con nít (!). Ảnh: Vũ Hoàng.
Một phụ huynh tâm sự: “Bọn trẻ học nhiều quá nên phải cho chúng nó thư giãn. Đọc truyện tranh cũng là một các giúp chúng thoải mái hơn, chứ còn những cuốn sách dày toàn chữ là chữ thì đến người lớn còn khối người không thèm đụng đến nữa là trẻ con. Truyện do các NXB in ra có phép đàng hoàng nên cũng không lo chuyện chất lượng lắm (!)”.
Thực tế, việc kiểm tra chất lượng các loại truyện tranh còn hết sức lỏng lẻo từ nội dung cho đến độc giả. Chuyện thiếu nhi, hay chuyện cho lứa tuổi 16+, 18+, hoặc cho mọi lứa tuổi thường xuất hiện trên cùng một giá sách và độc giả lứa tuổi nào cũng có thể đọc.
Với thực tế hiện nay, một cậu nhóc cấp 2 có thể dễ dàng tìm đọc cuốn sách dành cho tuổi 16+, 18+. Trên một số trang truyện có những hình ảnh bạo lực hoặc khêu gợi, nhiều NXB che đậy bằng cách bôi đen những phần tế nhị che mờ nguyên tác nhưng chỉ nhìn qua cũng biết được đó là gì.
Tất cả các chủ của hàng sách đều thừa nhận là không hề có một cơ quan chức năng nào đến kiểm tra chất lượng của các cuốn truyện trên giá sách. Thậm chí, nhiều cuốn truyện tranh sex thực sự được lấy từ trên mạng về vẫn được một số chủ cửa hang dấm dúi bán cho các khách hang tuổi teen. Còn những cuốn truyện được tự do phát hành thì vô tư phục vụ cho độc giả đủ mọi lứa tuổi.
Khi thấy những hình ảnh trên cuốn truyện tranh của con đọc, chị Nguyễn Hoài An bức xúc: “Tôi sẵn sàng cho con cái tiền để đọc truyện nhưng nếu như thế này thì nguy mất. Tại sao phim ảnh thì người ta có thể cắt đi những hình ảnh sexy mà trong truyện tranh thì lại không hề quản lý (!). Nếu biết con tôi vẫn đọc những cuốn truyện như thế thì tôi cấm tiệt. Thà cấm không cho đọc còn hơn không biết nó đang đọc cái gì…”
Không thể phủ nhận được giá trị giải trí mạnh mẽ của truyện tranh Nhật Bản. Trong khi các tác giả trong nước vẫn không thể bắt kịp được xu thế trẻ thì những bộ truyện nổi tiếng từ nước ngoài vẫn là cần thiết. Đã đến lúc cần có những biện pháp thắt chặt kiểm tra hơn trong quản lý nộidung và phát hành để truyện tranh thực sự trở thành một thế giới đầy ước mơ, hoài bão, lãnh mạn, nhân văn cho thế hệ tuổi teen.
Không thiếu cảnh nóng
Nội dung những cuốn truyện trên chủ yếu là những chuyện tình cảm yêu đương phức tạp, éo le, lâm ly, kiểu phim bộ Hàn Quốc. Ví dụ như "Tuổi mộng mơ" (Truyện dành cho lứa tuổi 17) của NXB T.H với 4 nhân vật chính đó là Mary, David, Jen, Eric. Trong khi Mary yêu thầm Eric, thì David lại yêu Mary, Jen thì luôn tìm cách phá hoại chuyện tình của Mary. Trong truyện, những cảnh các nhân vật hôn nhau được lặp thường xuyên, rồi có cả cảnh "nóng" giữa Mary và Eric...
Hay như trong truyện "Malisa Lin", với khá nhiều cảnh nhân vật chính vụng về... tụt váy của người bạn học cùng lớp xinh đẹp. Truyện "Thục nữ yêu kiều" của NXB Đ.N với cảnh nóng chàng trai hôn cô gái từ phía sau, một tay ghì chặt cô gái, một tay đặt ngực áo cô gái vẫn được bày bán công khai. Truyện "Chàng quản gia" (NXB Đ.N) với tình yêu tay tư, những cảnh tắm với chiếc khăn che nửa kín nửa hở. "Lời thề sao băng" của NXB K.Đ cũng có những lời thoại kiểu như "anh muốn được ngủ cùng em đến sáng". Có những truyện còn có những nét vẽ táo bạo hơn như "Onegai teacher" với những cảnh mà người lớn đứng đắn xem cũng phải đỏ mặt.
Trên thị trường cũng xuất hiện một bộ truyện khá ăn khách mang tên "Love Hani" (Hani dễ thương) đầy những cảnh "nóng". Keitaro, một người đang ôn thi ĐH, trọ cùng nhà với 5 cô gái, từ đó mà nhiều tình huống nhạy cảm xảy ra như cảnh thay đồ, tắm chung giữa các cô gái được vẽ rất "tự nhiên chủ nghĩa". Nhiều cảnh "hot" đến mức, NXB nhiều lúc phải... vẽ thêm đồ lót cho các nhân vật nữ.
Một thành viên diễn đàn truyện tranh còn cho rằng, nếu cứ cảnh "hot" là cắt, thì "Love Hani" phải bị cắt 30-40%, đọc sẽ chẳng hiểu được nội dung nữa. Tuy truyện đề là dành cho lứa tuổi 16, 17,18, nhưng không hiếm bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé 10-12 tuổi cũng dán mắt đọc với sự tò mò của kẻ đang lớn, mà không bị ai nghiêm cấm, quở trách.
Được biết, ở Nhật, nơi truyện tranh phát triển đã lâu đời, có rất nhiều dòng truyện tranh, dành cho mọi lứa tuổi. Ơ VN, nhắc đến truyện tranh là mọi người chỉ nghĩ đến đấy là một loại hình giải trí chỉ dành cho trẻ con. Thế nên, ông bố, bà mẹ nào cứ thấy con đọc truyện tranh là an tâm truyện đó là lành mạnh, phù hợp, có ai ngờ...
Vì lợi nhuận, một số NXB đã tung ra nhiều truyện không có lợi cho sự hình thành nhân cách của lứa tuổi đang lớn. Dường như họ chỉ làm một việc duy nhất là đề lên bìa cuốn sách là "Truyện dành cho lứa tuổi "..." là... hết trách nhiệm. Một SV ĐH nhận xét: "Đề như vậy, có khi lại càng làm các em tò mò, càng háo hức đọc hơn".
Mong rằng, những nhà quản lý, NXB có những hành động để bảo vệ sự trong sáng của trẻ em, ít nhất là trong lĩnh vực truyện tranh. Bởi, phía sau những ấn phẩm tương tự kể trên đã ẩn chứa nhiều sự nguy hại.
(Theo Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét