“Từ nhỏ đến giờ, mỗi lần đi tàu xe, máy bay, tôi đều bị say. Không chỉ thế, tôi còn rất hay bị say nắng, thậm chí còn có lần say sắn khi ăn sắn mua ở xe đẩy ngoài đường. Mong chuyên mục Sức khỏe tư vấn giúp tôi thoát khỏi những cơn say này?” (Trích thư bạn đọc Trần Thị Ngọc Bích, TP.HCM)
Thực tế, rất nhiều người bối rối như chị Bích, khi mình hoặc người thân rơi vào tình trạng say tàu xe, rượu bia, say sắn hay say nắng. Mỗi trường hợp đó đều có cách dã say riêng.
Say tàu xe
- Triệu chứng: Khi ngồi trên tàu, xe, bạn khó chịu ở dạ dày, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và mệt mỏi. Khuôn mặt xanh xao, vã mồi hôi lạnh và nôn mửa.
- Trị say tàu xe: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn không nên hút thuốc và uống thức uống có cồn trước và trong khi lên xe. Chỉ ăn một lượng nhỏ thực phẩm ít béo, ít tinh bột. Không ăn thực phẩm nặng mùi, khó tiêu.
Bạn nhớ đừng đọc sách khi đi xe nhé. Đồng thời, bạn mua vé ngồi ở ghế phía trước. Khi đi xe riêng và trời mát, bạn mở cửa sổ cho thông gió.
Bạn có thể mang theo một ít vỏ cam, quýt hoặc gừng để ngửi. Tốt nhất là dùng sản phẩm làm từ gừng như trà gừng, viên nang bột gừng hoặc ngậm gừng tươi. Bạn cũng có thể uống sô đa để giảm say.
Trường hợp quá dễ say xe, bạn dùng thêm thuốc chống say tàu xe. Để phát huy tác dụng, hãy uống thuốc trước khi khởi hành xe ít nhất 30 phút.
Những thuốc này bao gồm cyclizine, dimenhydrinate, diphenhydramine, meclizine, promethazine và miếng dán chống say xe (chứa scopolamine). Chúng sẽ giúp bạn buồn ngủ và quên đi cảm giác say xe.
Tuy nhiên, bạn không cho trẻ em, người có bệnh tăng nhãn áp hoặc có vấn đề về tuyến tiền liệt dùng thuốc.
Say rượu bia
- Triệu chứng: Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt và đau nhức cơ bắp. Bạn còn dễ trầm cảm, lo âu hoặc kích thích và giảm khả năng tập trung.
- Cách chữa: Uống thuốc giảm đau aspirin và ibuprofen (Advil hay Motrin) để giảm đau đầu, khó chịu và đau cơ bắp. Không nên sử dụng thuốc nếu đang đau bụng, buồn nôn, khát.
Thay vì dùng thuốc, bạn có thể ăn chuối, súp hoặc nước thịt hầm để bổ sung muối và kali bị mất trong quá trình uống rượu.
Dùng trái cây hoặc nước ép trái cây có thể gia tăng năng lượng, thay thế các vitamin và chất dinh dưỡng đã mất, đồng thời giúp quá trình loại bỏ độc tố diễn ra nhanh hơn.
Pha bột sắn dây với nước để uống. Bột này có thể giải độc rượu. Trước khi đi ngủ, uống càng nhiều nước càng tốt.
Ngoài ra,trứng cũng là một bài thuốc. Trong trứng chứa cysteine, giúp phá vỡ độc tố acetaldehyde trong cơ thể. Nên ăn trứng vào buổi sáng sau khi uống rượu để loại bỏ độc tố do rượu chuyển hóa thành ra khỏi cơ thể.
Say nắng
- Triệu chứng: Người lạnh toát, đổ mồ hôi đầm đìa, nhức đầu, mệt mỏi, có thể bị chuột rút hoặc đau cơ bắp. Ngoài ra, bạn còn bị đỏ mặt, nóng và khô da. Nhiều người có thể bất tỉnh hoặc chóng mặt, khát nước, buồn nôn, nôn, lú lẫn, ảo giác và hôn mê.
Say nắng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ em, người cao tuổi, người thừa cân và người nằm liệt giường.
- Cách chữa: Trong trường hợp say nắng nhẹ, bạn nới nỏng quần áo và nghỉ ở nơi mát, thông gió. Uống nước có điện giải để bù lại phần nước và muối bị mất. Tránh uống rượu, cà phê vì có thể làm tăng mức độ mất nước.
Khi đỡ mệt mỏi, bạn có thể tắm với nước ấm để làm mát da.
Bệnh nhân say nắng nặng hoặc có biến chứng mất nước, đột quỵ nên được đưa ngay đến bệnh viện.
Say sắn (khoai mì)
- Triệu chứng: Khi vào cơ thể, sắn sẽ giải phóng độc tố là a xít cyanhydric. Nếu ăn nhiều sắn khi đói bụng hoặc cơ thể đang yếu, bạn dễ đau bụng lâm râm, đầu váng vất, chân tay rã rời, mặt nóng bừng. Nếu nặng hơn, bạn có thể bị tiêu chảy, run, co giật, có khi sốt, thậm chí tử vong.
- Cách chữa: Trước hết, bạn cần gây nôn nao cho người say để giảm chất độc trong cơ thể.
Cho họ uống nước đường, nước mía và chuyển đến bệnh viện để giải độc sắn.
Để phòng tránh, bạn chỉ mua sắn vừa mới nhổ khỏi đất. Bóc sạch vỏ, ngâm vào nước vo gạo ít nhất một giờ và mở vung khi luộc để chất độc bay hơi bớt.
Bạn nên ăn sắn luộc với đường, mật để trung hòa a xít cyanhydric. Không ăn sắn luộc vào buổi tối vì nếu bị say sẽ rất khó để xử lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét